0 - 270,000 VNĐ        

Đi khám giới tính, bệnh viện chẩn đoán bằng... mã bệnh tâm thần

Lo sợ con lệch lạc giới tính, mẹ của em L.G.M. - 15 tuổi, ở Kiên Giang - đưa em vào Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM) để khám trước thềm năm học 2024-2025. Trong phiếu khám, ở phần lý do, bệnh viện ghi là LGBT (người đồng tính, song tính, chuyển giới...). Ở phần chẩn đoán, bệnh viện ghi mã F64.2 - rối loạn xác định giới tính ở trẻ em. Điều đáng nói, F64.2 là mã bệnh được xếp vào nhóm rối loạn tâm thần. Khi bạn của G.M. đăng phiếu khám lên mạng xã hội, nhiều người bày tỏ sự ngạc nhiên, bức xúc.

Khi thiểu số tính dục bị khoác "mã bệnh"

Em L.G.M. tâm sự: giới tính trên giấy tờ của em là nữ, nhưng từ tuổi mầm non, em đã có nhiều biểu hiện giống con trai, thích ăn mặc, cắt tóc như con trai. Mẹ đã sớm nhận ra điều đó nên cố ý tạo điều kiện cho em tiếp cận những trang phục hay trò chơi giàu nữ tính. Tuy nhiên, đưa búp bê thì em vẫn chơi, nhưng là chơi kiểu... vặn cổ, lặt đầu. Mẹ dùng tiền, dùng kẹo dụ dỗ mặc áo đầm, em miễn cưỡng tròng vào chỉ vì... mê ăn kẹo. Bước vào lớp Mười, trong khi G.M. cảm thấy bức bối với chiếc áo dài và mong được ba mẹ ký đơn xin miễn thì mẹ em lại kỳ vọng việc mặc áo dài sẽ giúp em trở nên “đoan trang thục nữ”.

 

Em L.G.M. chia sẻ: “Ở Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2, bác sĩ, chuyên viên tâm lý khám, tư vấn cho mẹ và em rất ân cần, tận tình, chu đáo. Các cô không đề nghị chích thuốc mà chủ yếu cung cấp thông tin cho mẹ em chấp nhận con. Thế nhưng, khi cầm trên tay phiếu khám, em thấy thông tin lạ quá, cảm thấy không thoải mái”.

Nhân câu chuyện này, chị P.T. - một người chuyển giới nữ, nhân viên đoàn lô tô - kể chị từng bị ba đánh đập, thậm chí đuổi ra khỏi nhà vì là con trai nhưng lại thích làm con gái. Ba mẹ và họ hàng cho rằng chị bị cậu bạn thân “lây bệnh” nên đưa đi bác sĩ chữa bệnh “bán nam bán nữ”.

“Những năm 2009-2010, sự hiểu biết của mọi người về LGBT còn hạn chế nên tôi bị ba mẹ đưa đi khám 3-4 nơi, từ BV đến phòng mạch tư đều nói tôi mắc “bệnh đồng tính luyến ái” và kê nhiều loại thuốc. Dĩ nhiên, đồng tính, chuyển giới... không phải là bệnh nên tôi dù có uống thuốc hay đi thầy pháp, trừ tà ma theo sự bắt buộc của ba mẹ cũng không giải quyết được gì. Tôi nghĩ, nếu giấy chẩn đoán của em G.M. rơi vào tay của những ba mẹ cực đoan, họ sẽ vin cớ “mày bị mắc bệnh tâm thần, bác sĩ ghi nè, mày phải đi trị bệnh” thì tội cho những người con LGBT ấy vô cùng. Còn phụ huynh ấy mất đi một cơ hội thấu hiểu và gắn kết với con” - chị P.T. tâm tư.

Hiện nay, tuy xã hội đã cởi mở hơn, nhiều người vẫn còn hiểu sai về LGBT. Việc chẩn đoán mã bệnh F64.2 từ cơ sở y tế càng củng cố thêm quan niệm “LGBT là bệnh”, gây ra nhiều áp lực và tổn thương cho người trong cộng đồng.

Phiếu khám của em L.G.M. tại BV Nhi Đồng 2 - Ảnh do nhân vật cung cấp

Bệnh viện cứng nhắc hay Bộ Y tế chậm cập nhật?
 

Bác sĩ Trương Thị Ngọc Phú - Phó phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Nhi Đồng 2 - chia sẻ: “Bé G.M. được mẹ đưa đến khám tại Khoa Tâm lý ­- Vật lý trị liệu. Hiện nay, BV đang sử dụng bảng phân loại quốc tế về mã hóa bệnh, tật, nguyên nhân tử vong ICD-10 theo quy định, hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), được Bộ Y tế ban hành, áp dụng tại Việt Nam, nhằm phục vụ công tác quản lý khám bệnh, chữa bệnh. Với các trường hợp trẻ được đưa đến khám do ba mẹ lo lắng về vấn đề giới tính của con, BV đã chọn mã F64.2 - rối loạn xác định giới tính ở trẻ em - thuộc chương rối loạn tâm thần và hành vi. Tuy nhiên, đây là mã hóa bệnh lý trong phần chẩn đoán đưa vào phần mềm quản lý số liệu, hoàn toàn không phải nhận định hay kết luận. Bên cạnh đó, khi khám và tư vấn cho bé G.M. và người thân, nhân viên y tế của BV đã khẳng định đồng tính, song tính, chuyển giới... không phải là bệnh và không cần phải chữa hay điều trị hỗ trợ. Vì vậy, ở phần nhận định chung, người khám ghi “tư vấn vấn đề giới tính” và phần đề nghị, người khám kết luận: “đã tư vấn cho mẹ và trẻ”.

Thạc sĩ tâm lý Phùng Thị Lụa - người trực tiếp khám bé G.M. - cho biết: khi đến khám, bé vui vẻ và hợp tác chia sẻ. Người mẹ cũng tiếp nhận những thông tin tư vấn của chuyên viên tâm lý, hy vọng bắt đầu cho hành trình chấp nhận con. “Khi khám cho những trường hợp này, tôi luôn khẳng định với trẻ và người thân: đây không phải là bệnh và không cần phải chữa. Và tùy theo nhu cầu của phụ huynh cũng như dựa trên biểu hiện tâm lý của trẻ mà chúng tôi chia sẻ cho phụ huynh. Kết quả khám, có những phụ huynh chấp nhận; có phụ huynh hoang mang, không chấp nhận, khóc tại chỗ vì cho rằng con có vấn đề giới tính” - thạc sĩ Phùng Thị Lụa chia sẻ.

Bác sĩ Ngọc Phú nói: “Hiện tại, chúng tôi vẫn tiếp tục áp dụng ICD-10 cho đến khi phiên bản mới được ban hành. Tuy nhiên, qua trường hợp này, chúng tôi cũng rút kinh nghiệm, dù lý do khám LGBT là do người mẹ khai, chúng tôi sẽ dùng thuật ngữ y học chuẩn hóa lại. Đối với người dưới 18 tuổi, chưa trưởng thành thì không thể khẳng định LGBT hay không. Đồng thời, để tránh sự nhạy cảm không cần thiết, BV đã thống nhất, từ đây khi khám những trường hợp về giới tính, bản dạng giới sẽ thay mã F64.2 bằng mã F98 - các rối loạn tác phong và cảm xúc khác thường khởi phát ở tuổi trẻ em và thanh thiếu niên. F98 vẫn thuộc ICD-10 và chương rối loạn tâm thần, hành vi, nhưng diễn giải mã F98 nghe nhẹ nhàng hơn”.

Theo bác sĩ Ngọc Phú, mục đích cuối cùng của ngành y là mong muốn điều tốt nhất cho người đến khám. Cụ thể với những trường hợp đến khám liên quan đến bản dạng giới thì tư vấn để trẻ hiểu rõ hơn về bản thân, không còn bối rối, hoang mang, cũng như để ba mẹ hiểu con hơn và đồng hành cùng con.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Sang - Trưởng khoa Tâm lý - Vật lý trị liệu, BV Nhi Đồng 2 - cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, khoa tiếp nhận 30 ca phụ huynh đưa con đến khám liên quan đến giới tính trong tổng số khoảng 12.000 ca tiếp nhận tại khoa, chiếm tỉ lệ rất thấp.

Những chương trình truyền thông về LGBT góp phần cung cấp kiến thức cần thiết cho các bậc phụ huynh - Nguồn ảnh: PFLAG VIỆT NAM

Đa số trẻ LGBT bị tổn thương khi phụ huynh bắt ép đi khám, tư vấn tâm lý, buộc con phải sống theo cách ba mẹ muốn. Không phải bác sĩ, chuyên gia nào cũng hiểu biết cặn kẽ và cập nhật về LGBT. Đôi khi họ sử dụng những từ ngữ, hình ảnh xúc phạm và gây tự ti, ám ảnh. Chúng tôi từng tiếp cận nhiều ca chính giáo viên phát hiện học trò có biểu hiện LGBT rồi báo cho phụ huynh với thái độ chỉ trích gay gắt. Đồng thời giáo viên chỉ vẽ luôn cách “cải thiện” hay chỉ những “lò chữa trị”, trong khi phụ huynh thiếu kiến thức lại chỉ biết dựa vào giáo viên.

Gần đây, có một số BV, trường học, tổ chức xã hội chủ động kết nối với PFLAG Sài Gòn (Hội Cha mẹ, người thân và bạn bè của cộng đồng LGBTQIA+ tại Sài Gòn). Các chuyên gia sẽ tập huấn, chia sẻ kiến thức một cách bài bản, rõ ràng và cập nhật thông tin thế giới. Còn ở góc độ phụ huynh và cộng đồng LGBT, chúng tôi chia sẻ câu chuyện gia đình mình, những trải nghiệm đã qua; những suy nghĩ, cảm nhận, nguyện vọng để các bên hiểu nhau hơn, hướng đến những điều tốt đẹp và khả quan trong tiến trình tháo gỡ định kiến xã hội.

Nguyễn Lang Mộng - thành viên ban điều hành PFLAG VIỆT NAM

Can thiệp thô bạo gây tác dụng ngược

Anh Huỳnh Minh Thảo - nhà hoạt động về quyền LGBTQ+ - làm hẳn 1 vlog đăng trên trang cá nhân có 39.700 người theo dõi, nói về việc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cho ra mắt ICD-11 vào năm 2018 với nhiều cập nhật rất quan trọng.
 

Cụ thể, những phần về giới và bản dạng giới đã được loại bỏ khỏi danh sách các rối loạn tâm thần và hành vi; được xem là tình trạng không đồng nhất giới, chuyển sang chương về sức khỏe tình dục. Tuy nhiên, đến tháng 10/2020, ICD-10 mới được sử dụng tại các cơ sở y tế trong cả nước. Nghĩa là, hiện tại Việt Nam vẫn chưa cập nhật phiên bản ICD mới nhất (ICD-11).

Điều này gây ra một mâu thuẫn quan trọng: các cơ sở y tế vẫn sử dụng ICD-10 với mã rối loạn tâm thần, hành vi khi khám về vấn đề giới tính, trong khi Công văn 4132 do Bộ Y tế ban hành năm 2022 khẳng định đồng tính, song tính, chuyển giới không phải là bệnh nên không thể chữa và không cần chữa. Sự không đồng nhất này gây khó cho tiến trình vận động quyền bình đẳng của LGBT và thay đổi nhận thức của phụ huynh, xã hội. WHO đã chính thức loại bỏ đồng tính luyến ái ra khỏi danh sách bệnh tâm thần từ ngày 17/5/1990.

Trong buổi hội thảo trực tuyến “LGBTQ+ và góc nhìn của giới trẻ hiện nay” do Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam tổ chức vào cuối tháng 8/2024, có ý kiến của phụ huynh băn khoăn, lo lắng vì cho rằng con “bị LGBT” và hỏi cách tác động, uốn nắn, điều chỉnh.

Là diễn giả của chương trình, anh Huỳnh Minh Thảo cho rằng: “Sự phát triển về giới và tính dục của một người bao gồm từ lúc họ còn rất bé cho tới lúc trưởng thành đều là hành trình rất dài có sự đồng hành của gia đình, nhà trường và xã hội. Tuy nhiên, mọi thứ đa phần diễn ra bên trong. Ở môi trường được tôn trọng và đảm bảo các quyền, trẻ có thể phát triển tự nhiên nhất. Sự can thiệp một cách thô bạo từ người lớn đôi khi phản tác dụng, thậm chí còn nguy hiểm cho trẻ”.

Anh Minh Thảo nêu ví dụ: phụ huynh thấy con trai mình thích chơi búp bê nên đem giấu tất cả búp bê, chỉ để lại xe tăng thì vẫn luôn còn ít nhất 1 con búp bê hiện diện trong nỗi khát khao của đứa bé. Đôi khi khát khao đó lớn hơn cả việc đứa bé được chơi với con búp bê ở đời thật. Việc quan sát của các bậc phụ huynh đối với con luôn cần thiết, nhưng đó nên là sự đồng hành theo hướng bình đẳng, công bằng, đầy đủ thông tin chính xác và đặc biệt không có sự định hướng, rào chặn hay can thiệp thô bạo.


TIN TỨC KHÁC

Vui lòng đợi ...

Đặt mua sản phẩm

Xem nhanh sản phẩm